Quần tây, áo cộc cùng “chiến mã” Suzuki En150-FI băng băng khắp Việt Nam. Đó là ấn tượng của mọi người khi nhắc về “phượt thủ” Bùi Công Trường (65 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM).

Cái nghiệp mình phải “chơi”

Là một giảng viên đại học Công Nghiệp tp.HCM, năm 2020 chú về hưu. Kể từ đó đồng hành cùng “người đẹp” Suzuki En150-FI, 150cc để theo đuổi đam mê đi bụi đến tận bây giờ. 

Chú Trường bên chiến mã Suzuki En 150cc

 “Trước đó chỉ đi công tác các tỉnh thành bằng xe cơ quan, ngồi trong xe nhìn ra cảnh vật bên ngoài mà lòng cứ xốn xang. Chắc cái nghiệp mình là phải đi, phải hít hà cái khí trời bên ngoài mới thỏa được. Niềm đam mê trong tôi trỗi dậy từ đó, máu đi phượt cứ chảy suốt trong người”, chú Trường chia sẻ.

Chuyến đi đầu tiên vào năm 2014. Đến đầu 2015 chú bắt đầu hành trình một mình phượt xuyên Việt. Đặc biệt, trong chuyến đi này, bạn đồng hành đặc biệt của chú là người vợ. Chú cho biết dẫn vợ đi một lần để vợ yên tâm rằng hành trình của mình không hề nguy hiểm. Rồi cứ thế là Lào, Malaysia, Thái Lan,… chú đều ghé thăm.

Để đi qua biên giới bằng xe máy với quãng đường xa, lên dốc, xuống đèo. Với tính cẩn thận của một nhà giáo chú đã chuẩn bị kỹ càng từ giấy tờ, thuốc men, đến thực phẩm,… Đi “phượt” bằng xe máy vất vả nhưng phần thưởng dành cho họ cũng khiến nhiều người khác ghen tị.

Càng đi càng “nghiện”

Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, thử thách sự can đảm, sức khỏe vốn là điểm yếu của người cao tuổi.

“Già rồi thì cũng mệt chứ, nhưng ngủ đêm dậy là mình nạp năng lượng. Thấy vậy đó chứ càng đi càng khỏe, nhất là đi đường rừng càng khoái; đầu óc thư thả, người lâng lâng lắm”, chú Trường cười khà khà.

Chú tâm sự: “Càng đi càng thấy nhiều điều mới lạ nên muốn đi tiếp. Ví dụ bản làng dân tộc Mường sẽ khác dân tộc Thái. Tây Bắc mùa nước đổ khác với mùa lúa chín, mùa hè khác mùa đông… Bao giờ tôi cũng muốn đi lại những nơi mình từng đến, để xem chỗ đó đã thay đổi những gì”.

Chú Trường cùng cô gái dân tộc Mon (người cổ dài vì có tục đeo vòng cổ), trong chuyến đi đến Thái Lan.

Hỏi chi phí để phượt, chú bảo trước những chuyến đi, chú luôn tính rất kỹ chi phí dọc đường sao cho tiết kiệm nhất. Chú cho biết kinh phí trước giờ do bản thân tiết kiệm chi tiêu vô bổ để đi. Cái chính là du lịch bụi nên đỡ tốn kém (500k/ngày ở VN, 700k/ngày các nước ĐNÁ). Hiện giờ hai vợ chồng đều đã về hưu. Mỗi chuyến đi chú sẽ được vợ và các con chu cấp lệ phí.

Được hỏi về mức đồ “tham chiến” chú hài hước : “Thời còn đi dạy học, thời gian đi trong 2 tháng hè. Và 1 tháng chuyển tiếp HK1 sang HK2 (học kỳ), giờ về hưu rồi xem như tỷ phú thời gian”.

Phượt để…”sướng”

Chuyến phượt Đèo Mã Pì Lèng có lẽ khiến chú Trường nhớ nhất. Tại đây, chú phải lao dốc thăm thẳm hiểm trở. Chú bồi hồi nhớ lại “Cái đó là đèo Tà Làng bên dưới là con sông Nho Quế thơ mộng. Không ngờ rằng, trên cung đèo dài khoảng 7,5km đó lại sở hữu đến 45 tầng đèo. Cùng gần 50 khúc cua gắt với hơn một nửa số đó là cua tay áo. Một thử thách khó nhằn, chú vừa đi mà vừa toát mồ hôi. Làn đường che xe máy lại eo hẹp nên những khúc cua gấp chú phải đứng lại để quay đít xe”.

Related Post

 Kỷ niệm “chiến tích” ở Hà Giang, bên dưới là sông Nho Quế.

Quả thật chẳng sai khi nói rằng Dốc Tà Làng – Hà Giang là cung đường hiểm trở nhất nơi vùng biên viễn. Kể cả những ai có tay lái cứng cùng xe phân khối lớn cũng khó nhằn; huống gì ông chú về hưu trên con xe chỉ 150cc. Thế nhưng U70 ấy đã làm được. “Xuống tới nơi nhìn lên lại cung đường vừa qua mà vừa lau mồ hôi vừa sướng. Cái gì vừa sợ vừa thích mới đã, mới nhớ dai”, chú nói trong vui sướng.

“Có lần qua Thái Lan cùng nhóm bạn 5 người. Bọn chú ở lại homestay của một ngôi làng. Mới nhờ cô chủ ở đó nấu cho một bữa ăn bản địa. Chủ nhà bối rối vì đây là lần đầu tiên có khách nhờ như vậy. Thế rồi cô cũng vui vẻ, tối hôm đó là một mâm cỗ thịnh soạn. Vui nhất là bàn bên cũng nhập cuộc mời rượu giao lưu. Đó là những trải nghiệm không dễ gì có được”, chú cười. 

An toàn là trên hết…

Vốn là người cẩn thận, chu đáo, trước mỗi chuyến đi, chú đều chuẩn bị đồ nghề rất chu đáo. Để an toàn, chú giữ nguyên tắc không chạy quá 50km/giờ, không bao giờ đi xuyên đêm. Và phương châm “gặp rắc rối ở đâu thì giải quyết ở đó”. “Mấy đứa trẻ nó phượt 2 ngày từ Nam ra Bắc thì mình đi 5 hay 7 ngày cũng được, với chú an toàn là trên hết”, chú Trường chia sẻ.

Nhóm bạn cao niên Võ Lâm Ngũ Bá – cộng đồng phượt gắn bó của “cựu nhà giáo”

Cộng thêm tay lái “lụa” của chú Trường khiến cho chuyến đi thêm hanh thông. Dù “phượt” hàng nghìn cây số nhưng “cựu nhà giáo” ấy chưa gặp bất kỳ sự cố nào.

Chú cười: “Hành trình chú chỉ bị thủng lốp 2 lần. Một lần đường Trường Sơn xe thủng lớp tính bơm rồi chạy xe nơi có dân để sửa. Đang bơm thì cái máy bơm bị hỏng thế là bất chấp ngồi lên xe chạy ra tới Phong Nha – Kẻ Bàng rồi mới sửa được. Còn lần bên Thái Lan chú cũng bị hỏng lốp, may mắn có một anh bạn đi xe moto khác đi đường hỗ trợ. Trộm vía trời thương nên chỉ gặp ít vấn đề vậy thôi”.

Niềm vui của chú qua những chuyến “phượt” cũng rất đơn giản là thỏa đam mê hiểu biết về những cung đường. Và tận mắt chứng kiến, thưởng thức cảnh đẹp, con người.

Bí mật được bật mí

Hai năm qua, khi dịch bệnh hoành hành, chú cùng những người bạn cao niên phải tạm dừng những chuyến đi “phượt”. Chú cho biết: “Đất nước mình còn nhiều chỗ đẹp mà tôi chưa đặt chân đến lắm. Sắp tới, tôi sẽ đi chuyến 70 ngày phượt xuyên Việt cùng Kim Hoa Bà Bà ; và một người bạn nữa để thỏa nỗi niềm bị “chôn chân” vì Covid.

Được biết hành trình này đã được các bô lão ấp ủ hơn một năm. Được iMotorbike Việt Nam bảo trợ và cùng đồng hành. Chuyến đi sẽ bắt đầu vào ngày 2/4 sắp tới, hy vọng bộ ba sẽ có hành trình trải nghiệm thật ý nghĩa. 


-Xem thêm:

LÃO BÀ BÀ U70 ĐAM MÊ PHƯỢT XUYÊN VIỆT

SUZUKI RA MẮT BURGMAN 400 THÁCH THỨC HONDA SH350i

Dương Thìn

Bạn không thể điều khiển được hướng gió, nhưng có thể điều khiển được cánh buồm.